Quấy rối tình dục nơi làm việc (09/11/2020, Thứ hai)
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động (Điều 3, khoản 9, luật lao động 2019)
“Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của phụ nữ và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục. Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự. (Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc - Liên đoàn Lao động Việt Nam)
(Thực tế cho thấy, một số nạn nhân (bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai) cho rằng bản thân cũng có một phần hoặc có lỗi hoàn toàn khi ăn mặc hở hang, đi chơi về muộn…dẫn đến việc bản thân bị quấy rối, lạm dụng, xâm hại. Không ít người trong xã hội cũng có quan điểm như vậy. Điều này dẫn đến việc nạn nhân tự đổi lỗi cho mình hoặc cộng đồng gây áp lực, đổ lỗi cho nạn nhân. Đây là quan điểm, cách ứng xử không đúng và không phù hợp. Mọi hành vi bạo lực gia đình, quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục đều trái pháp luật, nạn nhân không phải là người có lỗi khi bị quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục. Do đó, phụ nữ cần mạnh mẽ lên tiếng khi rơi vào tình huống này. Nếu bạn đang trải qua hành vi quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục, vui lòng xem chi tiết tại: Các địa chỉ hỗ trợ khi trải qua, chứng kiến bạo lực gia đình, hành vi quấy rối, lạm dụng, xâm hại tình dục)
Nguồn: Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (http://ccihp.org/tu-lieu/me-con-vui-khoe-247_184)