Một số giải pháp để phòng ngừa bạo lực gia đình (09/11/2020, Thứ hai)
Nếu bạn có nguy cơ bị bạo lực hoặc đã từng trải qua bạo lực, hãy tham khảo các gợi ý dưới đây để phòng ngừa, xử trí khi đối diện với bạo lực:
- Nhận diện bạo lực và tránh đi. Cần quan sát và nhận biết một số dấu hiệu cho thấy bạo lực sắp xảy ra và tìm cách tránh đi chỗ khác.
Ví dụ: Khi thấy người gây bạo lực nghiến chặt hàm lại thì người ấy đang lên cơn tức giận và sắp đánh tôi. Tôi phải tìm cách ra khỏi nhà hoặc tránh mặt anh ấy ngay lập tức.
- Tìm chỗ đứng an toàn. Nạn nhân cần đứng gần cửa ra vào hay cửa ngách khi có tranh luận hay cãi cọ để dễ bề thoát hiểm.
- Nạn nhân nghĩ trước những nơi có thể tạm lánh an toàn; gửi hàng xóm hoặc một người thân tin cậy các giấy tờ cá nhân quan trọng như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, một số quần áo tư trang và một ít tiền. Việc này giúp bạn có đủ giấy tờ và hành lý khi bạn muốn đi khỏi nhà và tạm lánh một thời gian.
- Xử lý tình huống khẩn cấp. Phát tín hiệu “cấp cứu” để các con bạn hoặc hàng xóm biết bạn đang bị bạo lực và hỗ trợ bạn kịp thời; gọi ngay các số điện thoại hỗ trợ hoặc gọi 113 trong trường hợp khẩn cấp.
- Học cách kiềm chế cơn nóng giận vì kiềm chế sự nóng giận có thể giúp bạn nói chuyện tỉnh táo, mạch lạc hơn, và góp phần hạn chế nguy cơ bị bạo lực. Khi thấy mình sắp nóng giận, bạn nên đi ra chỗ khác; hít thở sâu; đếm từ 1 đến 20; uống một cốc nước lạnh...
(Mọi hành vi bạo lực gia đình đều trái pháp luật, nạn nhân của bạo lực không phải là người có lỗi dù bất cứ lí do gì, do đó, nếu bạn đang trải qua hành vi bạo lực gia đình, vui lòng xem chi tiết tại: Cách xử trí khi là nạn nhân của bạo lực gia đình; Cách xử trí khi chứng kiến hành vi bạo lực gia đình)
Nguồn: Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (http://ccihp.org/tu-lieu/me-con-vui-khoe-247_184)