Kiến thức >

Như thế nào là thai nghén phát triển bình thường? (10/11/2020, Thứ ba)

Như thế nào là thai nghén phát triển bình thường?

Thai nghén là việc mang một hay nhiều con, được gọi là bào thai hay phôi thai, bên trong tử cung của người phụ nữ. Một lần thai nghén có thể có một hoặc nhiều bào thai, như các trường hợp sinh đôi, sinh ba…Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa thời kỳ sinh đẻ bình thường trong khoảng tuổi thai tròn 37 tuần đến 42 tuần và chia làm 3 giai đoạn thai kỳ:

3 tháng đầu của thai kỳ: đây là thời điểm hình thành hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể nên bé rất nhạy cảm với những tác nhân có thể gây ra dị tật cho trẻ như: Các loại vi sinh vật (các loại vi khuẩn, virus, kí sinh trùng); Các loại hóa chất (thuốc, các chất thuốc trừ sâu, hóa chất làm đẹp…); Các tia xạ như X quang, thậm chí cả sóng điện thoại. Người mẹ mang thai nên biết để có biên pháp phòng, tránh nhiễm các tác nhân nói trên.

  • Tuần thai 1 – 2: tuổi thai được tính từ ngày có kinh đầu tiên của chu kỳ kinh gần nhất, do đó tuần 1-2 của thai kỳ chưa thực sự mang thai. Kết thúc tuần 2 thường có hiện tượng rụng trứng và nếu trứng và tinh trùng gặp nhau, quá trình mang thai bắt đầu.
  • Tuần thai 3 – 4: bắt đầu là phôi nang được hình thành từ hàng trăm tế bào đang lớn lên và phân chia nhanh chóng, trở thành phôi thai – được hình thành từ hai lớp tế bào, nhau thai cũng đang phát triển nhanh chóng
  • Tuần thai 5 – 6: phôi thai phát triển thần tốc, nồng độ hóc môn hCG trong cơ thể mẹ đã đủ cao để thử thai bằng que thử thai nhanh tại nhà. Lúc này, tay, chân, tim, thân mình, mắt đang bắt đầu hình thành. Các triệu chứng khó chịu có thể xuất hiện ở cơ thể mẹ (tiểu nhiều, mệt mỏi, ợ nóng, buồn nôn hoặc nôn, đầy bụng khó tiêu…thường gọi là Nghén)
  • Tuần thai 7 -8: phôi thai tiếp tục hình thành bàn tay, bàn chân, khuôn mặt đã rõ hơn với miệng, mũi, tai và mắt… và dần hình thành tất cả các bộ phận đầy đủ của một cơ thể, gồm cả xương và cơ bắp. Tử cung của mẹ đã tăng gấp đôi kích thước.
  • Tuần thai 9 – 10: Lúc này bé trông giống một con người tí hon và bắt đầu di chuyển xung quanh tử cung. Tim đã chia thành 4 ngăn, các cơ quan và cấu trúc đã hình thành và sẵn sàng phát triển, kết thúc thời kỳ phôi thai và bắt đầu giai đoạn bào thai.
  • Tuần thai 11 – 13: Bàn tay, bàn chân đã có ngón, những chồi răng nhỏ xíu bắt đầu xuất hiện dưới nướu răng, bộ não phát triển nhanh và thận bắt đầu bài tiết nước tiểu. Bé bắt đầu có vân tay, đầu đã cân bằng hơn với phần còn lại của cơ thể.

3 tháng giữa của thai kỳ: Thời kỳ này các bộ phận của bé dần hoàn chỉnh. Vì vậy, người mẹ cần thực hiện “sàng lọc trước sinh” để phát hiện bất thường của thai nhi.

  • Tuần thai 14 – 16: hoàn thiện dần bộ phận sinh dục, khuôn mặt bé đã linh hoạt có thể làm xấu hoặc mỉm cười. Bé bắt đầu bận rộn với việc học thở, mút, nuốt, gập ngón chân, di chuyển bàn tay và chân, hình thành chồi vị giác, cảm nhận được ánh sáng, hệ tuần hoàn đã hoạt động
  • Tuần thai 17 – 20: bắt đầu giai đoạn tăng trưởng thần kỳ, bộ xương đã thay đổi từ sụn mềm thành xương, dây rốn ngày càng dày hơn, chất béo bắt đầu tích trữ dưới da, tai đã hình thành đầy đủ và nghe được giọng nói, âm thanh, bộ phận sinh dục đã phát triển đầy đủ. Bé có thể vặn mình, lăn, đá, đấm trong bụng mẹ. Thị giác, xúc giác, vị giác cũng phát triển, tế bào thần kinh đang kết nối giữa não và cơ bắp. Phân su được sản xuất trong đường tiêu hóa
  • Tuần thai 21 – 24: tủy xương hoạt động tạo ra các tế bào máu, hệ thần kinh, các giác quan nhạy bén hơn, tĩnh mạch và động mạch đang phát triển, bé hoạt động mạnh mẽ hơn. Hoạt động não đã gần giống trẻ sơ sinh: phát triển ý thức, bộ nhớ…
  • Tuần thai 25 – 27: chất béo tích lũy dưới da nhiều hơn, bé bắt đầu mọc tóc, bé có thể hít và nuốt nước ối, nấc, mút ngón tay, mở mắt và nhắm mắt.

3 tháng cuối của thai kỳ:

  • Tuần thai 28 – 31: mắt, cơ bắp, phổi trưởng thành, các chồi răng vĩnh viễn hình thành trong lợi của bé, não bộ bắt đầu có nếp nhăn để chứa nhiều tế bào não hơn. Bé có thể phản ứng đối với các âm thanh và di chuyển theo giai điệu yêu thích
  • Tuần thai 32 – 36: Bé phát triển đầy đặn, đặc biệt hệ thần kinh trung ương và phổi đang trưởng thành. Các cử động của bé chuyển từ đấm, đá sang cuộn và lắc. Cơ thể bé bắt đầu xoay để đầu xuống dưới về phía cổ tử cung, sẵn sàng chui ra khỏi bụng mẹ
  • Tuần thai 37 – 42: não và phổi của bé tiếp tục trưởng thành. Đến tuần 38 phổi và thanh quản đã hoàn chỉnh, bé sẵn sàng giao tiếp thông qua tiếng la và khóc. Từ tuần 39 cơ thể bé không phát triển thêm nhiều nhưng não lại ngược lại, có thể tăng khối lượng thêm 30% so với 4 tuần trước đó. Tinh bột tiếp tục được dự trữ trong gan và chuyển đổi thành glucose trong khi chờ đợi dòng sữa mẹ.

Bé chào đời là sự kiện đặc biệt của gia đình, kết thúc giai đoạn thai nghén kỳ diệu. Bố bé cần nhớ, đừng đợi đến khi bé chào đời mới chăm sóc và giao tiếp với bé nhé. Từ những ngày đầu bé ở trong bụng mẹ đã rất cần sự yêu thương, chăm sóc của bố.


Nguồn: Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (http://ccihp.org/tu-lieu/me-con-vui-khoe-247_184)

Bài viết khác

Mát- xa vú chống tắc tia sữa

Mát- xa vú chống tắc tia sữa

07/02/2021, Chủ Nhật
Khi đi khám thai, phụ nữ mang thai thường được khám như thế nào?

Khi đi khám thai, phụ nữ mang thai thường được khám như thế nào?

10/11/2020, Thứ ba
Bảo hiểm y tế có chi trả khám thai không?

Bảo hiểm y tế có chi trả khám thai không?

10/11/2020, Thứ ba
Sàng lọc trước sinh

Sàng lọc trước sinh

10/11/2020, Thứ ba
Phụ nữ có thai cần được uống viên sắt và axit folic như thế nào?

Phụ nữ có thai cần được uống viên sắt và axit folic như thế nào?

10/11/2020, Thứ ba
Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván như thế nào?

Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván như thế nào?

10/11/2020, Thứ ba
Những dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế ngay

Những dấu hiệu nguy hiểm ở phụ nữ có thai cần đến cơ sở y tế ngay

10/11/2020, Thứ ba
Trong thời gian mang thai, phụ nữ có thai nên quan hệ tình dục như thế nào?

Trong thời gian mang thai, phụ nữ có thai nên quan hệ tình dục như thế nào?

10/11/2020, Thứ ba
Cách vệ sinh cơ thể khi mang thai

Cách vệ sinh cơ thể khi mang thai

10/11/2020, Thứ ba