Miếng dán tránh thai (05/11/2020, Thứ năm)
Là một miếng dán nhỏ, kích cỡ khoảng mỏng khoảng 4,5cm2, được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay.
Cơ chế tránh thai
Miếng dán có khả năng giải phóng estrogen và progestin có tác dụng làm dày lớp dịch nhày cổ tử cung, gây khó khăn cho tinh trùng khi xâm nhập vào sâu trong tử cung; Ức chế trứng rụng và làm cho tử cung không đến giai đoạn thích hợp để trứng đã được thụ tinh (hợp tử) làm tổ.
Hiệu quả
Miếng dán tránh thai tương đối an toàn, dễ sử dụng và nếu được dùng đúng cách sẽ cho hiệu quả tránh thai cao, có thể trên 95%.
Ưu và nhược điểm
*) Ưu điểm
Có thể giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá và làm giảm hiện tượng đau nửa đầu kinh nguyệt.
Hiệu quả cao, sử dụng dễ dàng, đơn giản
Có thể hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng cho phụ nữ tiền mãn kinh
*) Nhược điểm
- Miếng dán tránh thai không thể ngăn ngừa các bệnh lây lan qua đường tình dục
- Có thể gây buồn nôn, đau đầu, ngứa da hoặc nổi ban đỏ trên bề mặt da chỗ dán miếng dán.
Cách sử dụng
- Cẩn thận xé bao đựng miếng dán tránh thai dọc theo mép bao, kéo miếng dán tránh thai ra và bóc lớp áp vào miếng dán sao cho không chạm tay vào bề mặt dính của miếng dán, sau đó dán miếng dán tránh thai vào vùng da khô sạch, không có lông. Thường dán ở vùng mông, vùng bụng, mặt ngoài phía trên cánh tay hoặc phần thân trên.
- Cứ một tuần phải thay miếng dán một lần. Đến tuần thứ tư không sử dụng miếng dán và kinh nguyệt sẽ xảy ra. Sau tuần thứ 4, dán miếng dán tránh thai mới và lặp lại giống quy trình trước đó.
- Nên áp dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ (ví dụ: bao cao su, phim tránh thai…)trong vòng 7 ngày liên tiếp khi mới bắt đầu sử dụng miếng dán tránh thai bởi thời gian này miếng dán tránh thai chưa phát huy hiệu quả tránh thai tối đa.
- Lưu ý: Một số người cho rằng phụ nữ là người mang thai, sinh con, do đó, tránh thai hay hiếm muộn là trách nhiệm của phụ nữ. Đây là quan điểm bất bình đẳng giới. Thực tế, việc quan hệ tình dục xảy ra giữa phụ nữ là nam giới là việc của hai người, như vậy, nam giới góp phần để sự thụ thai xảy ra, do đó, tránh thai là trách nhiệm của cả nam giới và phụ nữ. Việc lựa chọn, áp dụng biện pháp tránh thai nào cần được dựa trên sự thảo luận, thống nhất của cả hai người trong cuộc. Điều này sẽ đem đến cảm giác thoải mái, hạnh phúc cho cả hai người trong cuộc và là tiêu chí giúp cho một mối quan hệ phát triển vững bền, hạnh phúc.
Nguồn: Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (http://ccihp.org/tu-lieu/me-con-vui-khoe-247_184)