Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (11/11/2020, Thứ tư)
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh lý thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 2500g), hoặc trẻ suy dinh dưỡng. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính gồm ho, cảm cúm, cảm lạnh và viêm phổi.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thường do các loại vi rút hoặc do môi trường sống ô nhiễm, không khí không trong sạch do bụi bẩn, khói, thuốc lá, than, củi đun bếp, khí ô tô, mùi hôi thối do chất thải của phân người và gia súc, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ruộng… Trẻ non tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng thường có khả năng miễn dịch kém nên dễ bị mắc bệnh và khi mắc thường nặng, dễ biến chứng và thời gian bị bệnh kéo dài. Đồng thời, khi bị các bệnh nhiễm trùng nặng thì lại làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng thêm. Vì vậy, việc phòng chống suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm khuẩn cần thực hiện đồng bộ.
Xử trí khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
Nếu trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm sau thì bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay:
- Trẻ không uống được
- Sốt cao
- Co giật
- Mệt lả, ngủ li bì khó đánh thức
- Suy dinh dưỡng nặng
- Khó thở
- Thở rút lõm ngực
- Thở nhanh (nếu nhịp thở ≥60 lần/phút đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi; nhịp thở ≥ 50 lần/phút đối với trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi; nhịp thở ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 1 đến 6 tuổi).
Còn nếu trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính như ho, cảm cúm hoặc cảm lạnh và không có các dấu hiệu nguy hiểm như trên thì bố mẹ có thể theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà, bởi hầu hết những trẻ bị ho, cảm cúm, cảm lạnh là do virut gây nên và kháng sinh thường không có tác dụng. Do đó, việc điều trị triệu chứng, làm giảm ho hoặc làm dịu họng bằng các thuốc thông thường, an toàn, hạ sốt nếu có sốt… là cần thiết và chăm sóc dinh dưỡng là yếu tố quan trọng. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần:
- Giữ ấm cho trẻ: cho trẻ nằm ở ấm nhưng thoáng mát, mặc ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.
- Làm sạch và thông mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mũi, khăn và gạc mềm
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng, mắt thường xuyên cho trẻ
- Nếu trẻ ho nên dùng các loại thuốc ho và giảm đau họng bằng thuốc nam và các bài thuốc dân gian như mật ong, hoa hồng bạch hoặc chanh hấp với đường.
- Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ
- Bổ sung vitamin A: một liều viên nang vitamin A liều cao (liều lượng theo tuổi như hướng dẫn của chương trình phòng chống thiếu vitamin A).
Nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Cho trẻ bú nhiều lần hơn và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống. Nếu trẻ ăn sữa ngoài, tiếp tục cho trẻ ăn sữa ngoài như khi trẻ không ốm.
- Đối với trẻ tròn 6 tháng tuổi trở lên:
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, có thể cho trẻ bú nhiều hơn, bên cạnh đó, duy trì việc cho trẻ ăn bổ sung, nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn.
- Chú ý đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng vì ở trẻ suy dinh dưỡng khi viêm phổi bệnh thường nặng và kéo dài dễ dẫn đến tử vong.
- Cho trẻ uống nhiều nước, nước quả tươi và ăn thêm quả chín để bù lại lượng nước bị mất do trẻ bị sốt và cung cấp thêm vitamin C cho trẻ.
- Bổ sung vitamin A cho trẻ, các bệnh nhiễm trùng có thể gây mất vitamin A qua phân, nước tiểu làm tăng nguy cơ thiếu vitamin A ở trẻ bệnh, đặc biệt đối với trẻ bị suy dinh dưỡng. Do vậy, khi trẻ bị mắc viêm phổi nặng cần bổ sung một liều viên nang vitamin A liều cao (liều lượng theo tuổi như hướng dẫn của chương trình phòng chống thiếu vitamin A).
- Sau khi trẻ khỏi bệnh cần cho trẻ ăn tăng thêm bữa và bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh hồi phục.
Nguồn: Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (http://ccihp.org/tu-lieu/me-con-vui-khoe-247_184)