Giang mai (09/11/2020, Thứ hai)
Là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Là bệnh lây truyền qua đường tình dục và có thể lây truyền từ mẹ sang thai. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị khỏi hoàn toàn trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén để tránh thai nhi bị Giang mai bẩm sinh
Biểu hiện
- Giai đoạn 1: Sau khi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai từ 3-90 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện một vết trợt, vết loét nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ và có nền cứng (vì vậy gọi là “săng cứng”).
- Giai đoạn 2: Vết ban màu đỏ hồng hoặc hồng tím, thường khu trú hai bên mạng sườn, ngực, bụng, chi trên.
- Giai đoạn 3: có thể sau khoảng 3-15 năm kể từ khi bị nhiễm bệnh. Xoắn khuẩn giang mai đã xâm nhập vào các cơ quan phủ tạng, gây giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, củ giang mai (là những tổn thương gồ lên mặt da).
Cách xử lí
- Cách thức điều trị chủ yếu là điều trị nội khoa (dùng thuốc)
- Khi có dấu hiệu viêm nhiễm, cần thu xếp đi khám càng sớm càng tốt bởi việc xác định nguyên nhân sẽ giúp bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả, chính xác. Việc tự ý điều trị có thể khiến cho bệnh diễn tiến nặng hơn, khó điều trị và điều trị tốn kém hơn.
- Khi đi khám, cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tối đa.
-
*) Lưu ý: Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây qua các con đường: Quan hệ tình dục không được bảo vệ, từ mẹ sang con, qua dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng. Cả phụ nữ và nam giới cần cùng nhau đi khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục để đạt hiệu quả tốt nhất, phòng tránh tái nhiễm bệnh. Việc hạn chế có quan hệ tình dục hoặc nếu có thì sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm là việc làm cần thiết. Vì vậy, cả hai người trong cuộc cần lưu ý điều này để thông cảm, hợp tác, hỗ trợ, động viên nhau … tạo điều kiện cho cả hai cảm thấy thoải mái về tâm lý, khỏe mạnh về thể chất, đạt được hiệu quả điều trị bệnh tối ưu và chóng hồi phục.
Nguồn: Trung tâm Sáng Kiến Sức Khỏe và Dân Số (http://ccihp.org/tu-lieu/me-con-vui-khoe-247_184)